Mua xe đạp tại Nhật và quy định về đi xe đạp

Mua xe đạp tại Nhật

Cách 1: Xin xe cũ của sempai

先輩 sempai [tiên bối] là những người học khóa trước, khi tốt nghiệp họ có thể để lại xe đạp lại cho các bạn mới tới. Đây là cách rẻ nhất nhưng nói chung không phải lúc nào cũng có.

Cách 2: Mua xe đạp cũ

Bạn cần hỏi trường hay các bạn trong ký túc xem có cửa hàng xe đạp cũ gần đấy không. Nếu biết chỗ bạn có thể mua xe đạp cũ. Hàng cũ gọi là “Trung cổ” ở đây là 中古 đọc là ちゅうこ hay chuuko. . Xe đạp cũ gọi là 中古自転車 chuuko jitensha.

Cách 3: Mua xe đạp mới

Các bạn có thể tới các siêu thị tổng hợp, shopping mall (ví dụ ドン・キホーテ) để mua xe đạp mới. ドン・キホーテ Don Kihoote thường có xe đạp giá phải chăng. Bạn cũng có thể tới オリンピック Olympic (nếu ở quanh Tokyo).

  • Don Kixote: http://www.donki.com/
  • Olympic: http://www.olympic-corp.co.jp/cycle/shop_list/

Đây là cách phổ biến nhất và cũng thuận tiện để đăng ký phòng chống trộm cắp xe đạp.

Đăng ký phòng chống trộm cắp xe đạp

Bạn có nghĩa vụ phải đăng ký phòng chống trộm cắp xe đạp gọi là 自転車防犯登録 jitensha bouhan touroku [tự chuyển xa phòng phạm đăng lục]. Bạn đăng ký tại nơi mà bạn mua xe đạp thường vào lúc mua xe. Nhân viên cửa hàng sẽ hỏi bạn thông tin và đăng ký cho bạn. Phí đăng ký là 600 yen (có thể thay đổi). Sau đó, một miếng dán (sticker) sẽ được dán lên khung xe của bạn, trên đó có mã số đăng ký của riêng bạn (mã này khác nhau cho mỗi xe). Miếng sticker sẽ giống như bên dưới.

Mua xe đạp sẽ có miếng dán đăng ký phòng chống trộm cắp (màu cam có mã số riêng)
Mua xe đạp sẽ có miếng dán đăng ký phòng chống trộm cắp (màu cam có mã số riêng)
Tờ phiếu đăng ký phòng chống trộm cắp xe đạp
Tờ phiếu đăng ký phòng chống trộm cắp xe đạp

Phải khóa xe đạp cẩn thận

Nhật Bản là nước an toàn và ít trộm cắp, đúng là thế thật ^^ Nhưng nếu bạn không khóa xe đạp thì coi chừng cảnh đôi ngả chia li vì tuy không có nhiều người phá khóa lấy cắp xe nhưng nếu bạn không khóa thì nhiều người đang vội họ cũng mượn tạm rồi lấy luôn. Hoặc họ đi quãng đường của họ xong họ quẳng ở ga hay nơi nào có trời mà biết. Khi mua xe đạp thường có khóa và bạn sẽ có 2 chìa, hãy cất 1 chìa ở nhà còn 1 chìa cầm theo để khóa xe. Đừng nghĩ “Mình mua ít đồ rồi ra ngay ý mà” vì lấy xe đạp cũng chỉ cần vài giây (bằng thời gian nhảy lên yên xe và đạp đi).

Bạn cũng có thể mua khóa số ở cửa hàng 100 yen để khóa xe cho tiện.

Sửa xe đạp bị nổ lốp

Xe đạp có thể bị nổ lốp, v.v… Tiếng Nhật nổ lốp gọi là パンク panku. Bạn có thể ra tiệm sửa xe đạp (khá hiếm) hoặc chỗ bán xe nếu họ bán xe. Giá vá xe là tầm 1,000 ~ 2,000 yen. Tuy nhiên, bạn cũng có thể mua miếng vá xe ở cửa hàng 100 yen và tự vá xe.

Cách làm: Vào cửa hàng 100 yen mua miếng và xe và bộ sửa xe (bộ công cụ để tháo săm lốp) về nhà, nhớ phải có cả búa nhựa hoặc gỗ cũng như bơm xe (có thể mua ở hàng 100 yen hay mua bơm xịn ở cửa hàng xe đạp). Sau đó đổ nước vào thau, tháo lốp lôi săm ra, bơm căng và cho săm đã bơm vào chậu nước. Chỗ thủng thì sẽ có bọt khí nổi lên, lấy que tăm nhỏ đánh dấu chỗ đó bằng cách cắm vào. Chú ý là bạn phải kiểm tra toàn bộ săm vì có thể có vài chỗ thủng.

Sau đó tháo hết khí ra, lau khô săm, làm theo hướng dẫn trên bao miếng dán (thường là tháo miếng dán, dán vào lấy búa gõ cho dính chặt).

Chữa lỗi bị tuột xích

Đang đi mà bị tuột xích thì sao? Bạn hì hục mãi mà không lắp lại được. Vì bạn không biết cách! Cách để sửa lỗi tuột xích xe đạp là tháo xích ở cả hai bánh răng ra, sau đó lắp lại xích vào bánh răng lớn (chỗ pedal) trước, rồi mới phủ xích lên một phần bánh răng ở trục bánh sau và kéo bằng cách quay pedal để xích khớp vào bánh răng.

Vì sao bạn không sửa được tuột xích? Bởi vì thường bị tuột ở bánh răng pedal và bạn cố gắng để lắp lại xích ở đây. Cách này có thể mất nửa ngày và 50% năng lượng cơ thể ^^ Bạn cần tháo cả ở bánh răng sau ra rồi mới lắp được vào bánh răng trước (ở pedal) rồi mới lắp vào bánh răng ở trục bánh sau. Làm gì cũng phải đúng trình tự.

Chú ý khi để xe đạp tại ga, nơi công cộng, ….

Những nơi có ghi 自転車放置禁止 [tự chuyển xa phóng trí cấm chỉ] hay 自転車等放置禁止区域 [tự chuyển xa phóng trí cấm chỉ địa khu] thì bạn không được để xe. Nếu để xe có thể bị dán cảnh cáo và/hoặc bị hốt xe (gọi là 撤去 tekkyo [triệt khứ]) về bãi. Nếu bị hốt xe phải mang giấy tờ tới chuộc, tốn khoảng 3,000 yen. Bạn cũng cần biết là bị hốt ở đâu để tìm được bãi chứa xe tương ứng. Nếu không nhớ sẽ mất xe. Nếu không đăng ký mã số chống trộm cắp ở trên cũng mất xe.

Một số nơi họ dán cảnh cáo (警告 keikoku) trước, sau một thời gian không lấy xe họ mới hốt xe.

Phiếu cảnh cáo để xe đạp ở chỗ cấm
Phiếu cảnh cáo để xe đạp ở chỗ cấm
Biển báo khu vực cấm để xe đạp
Biển báo khu vực cấm để xe đạp

Một số ga có bãi để xe đạp riêng và bạn cần để xe đạp vào bãi. Chú ý là không để qua đêm, nếu để qua đêm có thể cũng sẽ bị hốt xe và di chuyển về bãi.

Xe đạp bị hốt (撤去 tekkyo [triệt khứ])
Xe đạp bị hốt (撤去 tekkyo [triệt khứ])

Quy định pháp luật về đi xe đạp

Về nguyên tắc, xe đạp phải đi dưới lòng đường tại phần dành cho xe đạp, thường ngăn cách với đường xe hơi bằng vạch trắng như hình bên dưới. Nhật Bản giao thông bên trái giống như Anh, Úc. Đi ban đêm bạn phải bật đèn xe đạp (xe đạp tại Nhật có đèn) để cho xe đi ngược chiều và người đi bộ nhìn thấy.

XE ĐẠP ĐI BÊN TRÁI SÁT LỀ ĐƯỜNG

Đi bên phải là phạm pháp và có thể bị phạt tiền

Làn dành cho xe đạp là trong vạch trắng sát mép đường
Làn dành cho xe đạp là trong vạch trắng sát mép đường

Các hành vi bị cấm khi đi xe đạp và mức xử phạt

 Hành vi cấm

Mức phạt (yen) 

 Không nhường người đi bộ

≦ 20,000 

Say rượu khi lái xe đạp 

Phạt tù ≦ 5 năm hoặc ≦ 1,000,000   

Dùng điện thoại khi đi xe đạp 

 ≦ 50,000

 Nghe nhạc lớn khi đi xe đạp

 ≦ 50,000

 Đi dàn hàng ngang

 ≦ 20,000

 Đi ban đêm không bật đèn xe

 ≦ 50,000

Lái xe một tay (cầm ô dù) 

 ≦ 50,000

Không dừng khi có biển báo dừng  一時停止

 Phạt tù ≦ 3 tháng hoặc ≦ 50,000

 Vượt đèn đỏ

 Phạt tù ≦ 3 tháng hoặc ≦ 50,000

 Đi bên phải đường

Phạt tù ≦ 3 tháng hoặc ≦ 50,000 

 Thay đổi hướng đi đột ngột

 ≦ 50,000

 

Lưu ý khi rẽ phải

Nhật Bản giao thông bên trái nên bạn không đơn giản mà rẽ phải được (ngay cả rẽ trái cũng phải đợt đèn xanh). Với đường có 3 làn xe trở lên bạn phải rẽ phải theo 2 giai đoạn, phải đi qua góc ngã tư đối diện đợi tiếp đèn xanh ở đó. Đây gọi là 二段右折 nidan usetsu [nhị đoạn hữu chiết] tức là “quẹo phải theo hai giai đoạn”. Hãy xem hình minh họa bên dưới. Nếu bạn quẹo phải như xe máy, xe hơi, … bạn đã vượt đèn đỏ, hãy xem mức phạt ở trên.

Đi xe đạp quẹo phải ở đường lớn phải theo 2 giai đoạn
Đi xe đạp quẹo phải ở đường lớn phải theo 2 giai đoạn

Nếu gây tai nạn khi đi xe đạp

Phải bồi thường thiệt hại tài sản, thân thể, có thể từ 100 man (1,000,000 yen) tới vài sen man (vài chục triệu yên). Có trường hợp gây tổn thương não, hay tử vong cho người đi bộ phải bồi thường 30,000,000 yen, tức là tương đương với mansion ở Tokyo. Vì thế cần phải tuyệt đối tránh gây tai nạn. Bạn cũng có thể mua bảo hiểm để đề phòng. Hãy xin tư vấn trường Nhật ngữ nếu định mua bảo hiểm.

FXBIKE

Nguồn: Sưu tầm

Công ty TNHH Thương mại & Dịch Vụ F-x Bike

Showroom :  225 Hoàng Hoa Thám – Ba Đình – HN – 09644.111.66

Cùng các đại lý bán lẻ trên toàn quốc

Website: https://xedaphn.net

Email: vinh.fxbike@gmail.com

Fanpage: https://facebook.com/xedapthethaohn

Forum: http://diendan.xedaphn.net/index.php

 

Trung tâm hỗ trợ